Trọn bộ kinh nghiệm tham gia hội chợ nước ngoài cho doanh nghiệp

04/12/2024 | Trương Vũ Anh

Hội chợ triển lãm thương mại quốc tế là sự kiện không thể bỏ qua dành cho các chủ doanh nghiệp. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh thương hiệu, thăm dò đối thủ và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực. Visa Phương Đông sẽ chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm tham gia hội chợ triển lãm nước ngoài để chuyến đi của Quý Doanh nghiệp thuận lợi và thành công hơn.

Hội chợ triển lãm quốc tế là gì?

Hội chợ triển lãm quốc tế là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện trong một thời gian tại một địa điểm nhất định để các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và tìm kiếm cơ hội kết nối với đối tác, khách hàng tiềm năng.

Vì sao doanh nghiệp nên tham gia hội chợ thương mại quốc tế?

Doanh nghiệp khi tham gia hội chợ quốc tế sẽ có cơ hội giới thiệu trực tiếp thông tin sản phẩm đến đông đảo khách hàng. Quý Doanh nghiệp cũng nhận được phản hồi của khách tham quan thông qua việc trao đổi, mua bán sản phẩm tại chỗ. Bên cạnh đó, tham gia hội chợ quốc tế còn mang lại cho doanh nghiệp các lợi ích cụ thể sau:

  • Gia tăng doanh số bán hàng: Việc gặp gỡ và tư vấn trực tiếp tại hội chợ sẽ thúc đẩy khách hàng quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
  • Để lại ấn tượng lâu dài về sản phẩm: Khách tham gia được trực tiếp cảm nhận và trải nghiệm sản phẩm. Từ đó, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ và tăng khả năng lựa chọn thương hiệu của doanh nghiệp khi khách có nhu cầu mua sắm trong tương lai.
  • Cơ hội kết nối: Tại các hội chợ triển lãm, Quý Doanh nghiệp sẽ gặp gỡ và hợp tác với các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng trên thị trường quốc tế, tạo dựng được các mối quan hệ kinh doanh.
  • Cơ hội tiếp cận tệp khách hàng mới: Hội chợ quốc tế thu hút đông đảo khách tham quan từ nhiều nơi, giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi, khai thác thông tin của những tệp khách hàng mà trước đây chưa có điều kiện tiếp cận.
  • Cơ hội đào tạo, tham gia tập huấn tại hội chợ nước ngoài: Hoạt động của hội chợ thường có những buổi hội thảo, tọa đàm của các chuyên gia trong lĩnh vực, tạo cơ hội cho khách tham gia nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn.

Lịch hội chợ triển lãm nổi tiếng trên thế giới

Quốc giaTên hội chợNgành hàngThời gian diễn ra
Trung QuốcCanton FairMáy móc, thực phẩm, thời trang, nội thất,…Tháng 4 và tháng 10
Nhật BảnFoodex JapanThực phẩm và đồ uốngTháng 3
UAEGulfoodThực phẩmTháng 2
Dubai World Trade CentreThời trang, thực phẩm, công nghệ,…Quanh năm
ÚcFinefoodThực phẩm và đồ uốngTháng 9
ĐứcAmbiente FrankfurtHàng tiêu dùng và trang trí nhà cửaTháng 2
Fruit LogisticaTrái cây và rau quả tươiTháng 2
ITB BerlinDu lịchTháng 3
Hannover MesseCông nghiệpTháng 4
Frankfurt Book FairXuất bản sáchTháng 10
PhápParis Air ShowHàng khôngTháng 6
SIAL ParisThực phẩmTháng 10
BỉSeafood Expo GlobalHải sảnTháng 4
Tây Ban NhaMobile World CongressThiết bị di độngTháng 2
ÝSalone del MobileNội thấtTháng 4
MỹCESCông nghệTháng 1

Đi hội chợ nước ngoài cần chuẩn bị gì?

Việc chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi là yếu tố then chốt giúp Quý Doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội và tập trung vào mục tiêu kinh doanh.

Cách đăng ký tham gia hội chợ triển lãm quốc tế

Dành cho doanh nghiệp tham quan hội chợ triển lãm quốc tế:

– Đăng ký trực tuyến: Mỗi triển lãm sẽ có trang web đăng ký riêng. Quý khách sẽ nhận được email xác nhận bao gồm mã tham quan khi đăng ký thành công. Vui lòng lưu lại email xác nhận để nhanh chóng nhận được thẻ tham quan tại quầy dành cho khách đăng ký trước.

– Đăng ký tại triển lãm:

  • Điền phiếu đăng ký: Quầy check-in của triển lãm thường chuẩn bị sẵn phiếu điền thông tin và bút cho khách tham quan. Chỉ cần điền đầy đủ thông tin để nhận thẻ tham quan.
  • Quét mã QR để điền phiếu đăng ký online: Một số triển lãm sẽ chuẩn bị mã QR ở quầy check-in để khách tham quan điền thông tin online.
Hội chợ triển lãm quốc tế
Hội chợ triển lãm quốc tế

Dành cho doanh nghiệp đăng ký gian hàng tại hội chợ triển lãm quốc tế:

Bước 1. Đăng ký trực tuyến

Thông thường các hội chợ triển lãm sẽ có trang web đăng ký, Quý Doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo mẫu và chờ Ban Tổ chức xác nhận.

Bước 2. Lựa chọn gian hàng và ký hợp đồng

Sau khi xác nhận, thành viên Ban Tổ chức sẽ liên hệ và gửi tài liệu chi tiết cho khách hàng để lựa chọn gian hàng. Tài liệu hội chợ triển lãm bao gồm: thông tin chi tiết về triển lãm, sơ đồ mặt bằng, mẫu đăng ký chính thức kèm báo giá thuê gian hàng hoặc đất trống, báo giá quảng cáo. Quý khách điền và gửi lại mẫu đăng ký chính thức được kèm theo để Ban Tổ chức căn cứ biên soạn hợp đồng.

Bước 3. Thanh toán và chờ nhận bàn giao gian hàng

Đa số các hợp đồng của hội chợ triển lãm chỉ có giá trị khi Quý khách tiến hành thanh toán tối thiểu 50% tổng giá trị. Ban Tổ chức có trách nhiệm giữ vị trí mặt bằng cho khách hàng theo như thỏa thuận. Trong trường hợp chậm thanh toán, nếu có doanh nghiệp khác lựa chọn vị trí của Quý khách, Ban Tổ chức sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp thanh toán trước.

Bước 4. Nhận bàn giao gian hàng

Đối với gian hàng tiêu chuẩn: Quý khách nhận gian hàng và thực hiện bày trí, vận chuyển hàng hóa trong khoảng thời gian là 1 – 2 ngày trước ngày khai mạc.

Đối với đất trống (gian hàng đặc biệt): Trước thời điểm khai mạc, khách hàng có khoảng thời gian là 2 – 3 ngày để nhận bàn giao mặt bằng và tiến hành dàn dựng.

Quý khách chỉ được bàn giao gian hàng sau khi đã hoàn tất thanh toán 100% số tiền nêu trong hợp đồng.

Làm visa đi hội chợ nước ngoài

Dưới đây là 3 bước xin visa đi hội chợ nước ngoài:

Bước 1. Tìm hiểu hội chợ nước ngoài muốn tham gia

Quý Doanh nghiệp cần tìm hiểu hội chợ triển lãm nước ngoài mà mình muốn tham gia để nắm rõ thời gian cũng như địa điểm tổ chức. Yêu cầu về hồ sơ, thủ tục và thời gian duyệt visa của mỗi quốc gia cũng khác nhau.

Bước 2. Chuẩn bị hồ sơ làm visa

Quý khách cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nộp lên Đại sứ quán/Lãnh sự quán. Có 4 loại giấy tờ chính bao gồm:

  • Giấy tờ chứng minh nhân thân
  • Giấy tờ chứng minh công việc
  • Giấy tờ chứng minh tài chính
  • Giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi: thư mời tham gia hội chợ triển lãm, xác nhận đặt vé máy bay, khách sạn, quyết định cử đi công tác,…
Các bước tham gia hội chợ triển lãm quốc tế
Các bước tham gia hội chợ triển lãm quốc tế

Hầu hết các quốc gia quy định điều kiện xin visa là hộ chiếu phải còn hạn ít nhất 6 tháng và có ít nhất 2 trang trống.

Visa có thể được cấp trực tiếp hoặc thông qua cơ quan lãnh sự của quốc gia mà Quý khách xin visa. Tuy nhiên, một số quốc gia không có Đại sứ quán/Lãnh sự quán ở Việt Nam. Vì vậy, khách hàng phải đến Đại sứ quán/Lãnh sự quán của quốc gia được thỏa thuận đại diện xử lý hồ sơ để làm thủ tục xin visa hoặc sử dụng dịch vụ xin visa đi hội chợ triển lãm.

Bước 3. Nộp hồ sơ và chờ kết quả

Quý Doanh nghiệp nộp hồ sơ và chờ nhận kết quả visa. Khách hàng nên tiến hành xin visa trước ngày khai mạc của hội chợ ít nhất nửa tháng để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến chuyến đi, làm chậm trễ thời gian khởi hành.

Phương tiện di chuyển

Phương tiện di chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài

Máy bay là phương tiện phổ biến để khách hàng có thể di chuyển đến hầu hết các quốc gia trong khoản thời gian ngắn. Cần lựa chọn hãng hàng không uy tín để được đảm bảo chất lượng phục vụ trong suốt chuyến đi. Mỗi hãng hàng không có giá vé và lộ trình bay khác nhau. Quý khách có thể tham khảo trang web chính thống của hãng bay để biết thông tin chi tiết về chuyến bay hoặc sử dụng dịch vụ đặt vé máy bay để được hỗ trợ tìm vé với mức giá ưu đãi.

Tuy nhiên, vẫn còn vài điều cần lưu ý khi đi máy bay ra nước ngoài để tham gia hội chợ triển lãm quốc tế mà không phải ai cũng biết:

– Hội chợ triển lãm thường diễn ra tại các thành phố lớn. Trong thời gian diễn ra sự kiện sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và khách tham quan nên thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm vé. Do đó, Quý Doanh nghiệp nên đặt vé khứ hồi trước chuyến công tác để tránh tình trạng hết vé.

– Phân biệt “Direct flight” và “Non-stop flight”:

  • Direct flight (chuyến bay trực tiếp): Khách hàng không cần đổi máy bay trong suốt hành trình, nhưng máy bay có thể dừng ở một số sân bay để đón thêm hành khách.
  • Non-stop flight (chuyến bay thẳng): Máy bay bay thẳng đến điểm đến mà không dừng lại ở bất kỳ sân bay nào.

– Lưu ý về quy định hành lý vì mỗi hãng hàng không có những quy định riêng về kích thước và trọng lượng hành lý. Các hạng vé máy bay khác nhau cũng có quy định khác nhau.

Ví dụ: Hạng phổ thông của Vietnam Airlines cho phép hành khách mang một kiện xách tay và một phụ kiện tối đa 12kg, còn hạng thương gia nâng cấp thành 2 kiện xách tay và 1 phụ kiện tối đa 18kg.

Phương tiện di chuyển tại nước ngoài

Dưới đây là các loại phương tiện phổ biến và dễ tìm thấy ở đa số các nước:

  • Xe buýt và tàu điện ngầm: Các hội chợ triển lãm thường diễn ra ở các thành phố lớn nơi có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Khách hàng có thể mua vé xe buýt hoặc tàu điện ngầm theo ngày hoặc theo tuần để tiết kiệm chi phí đi lại.
  • Taxi: Là phương tiện truyền thống và dễ tìm khi đi nước ngoài, lựa chọn này thích hợp đối với nhóm nhiều người và cần vận chuyển hành lý lớn. Tuy nhiên, Quý Doanh nghiệp cần hỏi và kiểm tra cước phí trước khi di chuyển để tránh bị tính phí cao.
  • Xe công nghệ: Sử dụng các ứng dụng như Uber, Grab, Lyft, DiDi,… để đặt xe. Dịch vụ này cho khách hàng biết trước cước phí và có nhiều loại phương tiện để lựa chọn như: xe máy, ô tô 4 chỗ, ô tô 7 chỗ,…

Khách sạn lưu trú

Khách sạn lưu trú là một trong những yếu tố cần chuẩn bị trước chuyến đi, sau đây là những kinh nghiệm bổ ích giúp Quý Doanh nghiệp lựa chọn được nơi lưu trú phù hợp:

  • Quý khách nên lựa chọn khách sạn gần vị trí tổ chức hội chợ nước ngoài để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Thường các khách sạn này cũng nằm gần những khu ăn uống, cửa hàng tiện lợi,… thuận lợi cho khách hàng thưởng thức đặc sản địa phương, thư giãn sau khi làm việc, nâng cao chất lượng chuyến đi.
  • Cách hiệu quả để lựa chọn nơi lưu trú mà không tốn nhiều thời gian và công sức là sử dụng ứng dụng hỗ trợ đặt phòng khách sạn như Agoda, Traveloka, Booking.com,… các ứng dụng này phổ biến ở tất cả các quốc gia lớn, nhỏ nên rất dễ dàng cho Quý Doanh nghiệp tìm kiếm và đặt phòng.
  • Thời gian diễn ra hội chợ triển lãm nước ngoài thường rơi vào các mùa du lịch cao điểm. Khách hàng nên cân nhắc đặt phòng khách sạn lưu trú trước từ 1 – 2 tháng hoặc ít nhất từ 2 – 3 tuần để đảm bảo có mức giá tốt vì càng đặt sát ngày thì mức giá càng cao.

Kế hoạch tham gia hội chợ triển lãm

Quý Khách hàng cần lên kế hoạch tham gia hội chợ triển lãm cụ thể để tối ưu thời gian và tận dụng triệt để các cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Trước hội chợ

Dành thời gian chuẩn bị cho giai đoạn trước hội chợ là vô cùng cần thiết và là tiền đề cho kế hoạch tham gia thành công.

  • Xác định mục tiêu tham gia hội chợ: Khi có được mục tiêu cụ thể việc lên kế hoạch sẽ hoàn thiện hơn. Các khâu lựa chọn hình ảnh, cách bố trí gian hàng, sản phẩm, lựa chọn sản phẩm mang đi hội chợ cũng trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao.
  • Đọc kỹ tài liệu hội chợ: Việc nắm rõ các nội dung cốt lõi của hội chợ triển lãm như đơn vị tổ chức, cách thức đăng ký tham dự, cách bố trí gian hàng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, quảng cáo,… sẽ giúp phát triển kế hoạch hợp lý và giảm ngân sách đáng kể.
  • Sau khi hoàn thành kế hoạch, Quý khách nên đăng ký sớm để lấy được vị trí đẹp, đồng thời tiết kiệm thêm thời gian thiết kế gian hàng và chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.
  • Tham gia hội chợ triển lãm là cách tốt để nâng cao kỹ năng cho nhân sự công ty. Tuy nhiên, Quý Doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn những nhân viên phù hợp dựa trên chuyên môn về sản phẩm/dịch vụ, khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ và sự hứng thú đối với sự kiện. Việc chọn đúng người không chỉ giúp tối ưu hiệu quả tham gia mà còn góp phần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho doanh nghiệp.

Tại hội chợ

Khi hội chợ diễn ra, Quý Doanh nghiệp nên đến địa điểm tổ chức hội chợ nước ngoài trước thời gian khai mạc để khảo sát địa hình, giám sát việc thi công gian hàng cũng như bố trí nhân sự. Bên cạnh đó cần lưu ý những điều sau:

  • Quan sát và thu thập thông tin khách tham quan: Chủ động tiếp cận, hỏi thêm về sở thích, nhu cầu, giải đáp thắc mắc, cách thức liên lạc và mời trải nghiệm sản phẩm. Tạo dựng bộ hồ sơ về các tệp khách hàng tham gia hội chợ để tìm ra đối tượng tiềm năng cho doanh nghiệp sau này.
  • Chuẩn bị tài liệu và sản phẩm trưng bày: Đây là cách hiệu quả để cung cấp thông tin quan trọng đến khách hàng bằng hình ảnh và sản phẩm thật. Các tài liệu được chuẩn bị đầy đủ, chỉn chu cũng hỗ trợ nhân sự đáng kể khi có quá nhiều khách tham quan tại gian hàng.
  • Tổ chức đa dạng hoạt động cho gian hàng: Bên cạnh những tờ rơi, tài liệu giấy, Quý Doanh nghiệp có thể chuẩn bị thêm màn hình chạy video quảng cáo, standee, minigame nhận quà, chương trình biểu diễn, trải nghiệm sản phẩm,… để thu hút sự chú ý của khách tham quan.
Hội chợ nước ngoài
Hội chợ nước ngoài

Sau hội chợ

Giai đoạn sau hội chợ cũng là lúc Quý Doanh nghiệp đánh giá lại kết quả của chuyến công tác, xác định những thành công đạt được và những điểm cần cải thiện cho lần tham gia kế tiếp.

Việc đàm phán và ký kết hợp đồng thành công là mục tiêu ban đầu đề ra khi tham gia hội chợ triển lãm nhưng mục tiêu này ít khi đạt được trong quá trình diễn ra hội chợ. Khách tham quan đa phần tới hội chợ để tìm hiểu thông tin cũng như sự phát triển của các dòng sản phẩm trên thị trường, gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Họ cần thời gian để suy nghĩ và quyết định nên sử dụng sản phẩm nào hoặc hợp tác với doanh nghiệp nào. Do đó, Quý Doanh nghiệp cần chủ động kết nối lại với khách hàng tiềm năng sau khi hội chợ triển lãm kết thúc để nhắc cho khách hàng về các thông tin quan trọng của sản phẩm/dịch vụ.

Chi phí đi hội chợ quốc tế bao gồm những gì?

Tính toán chi phí tham gia hội chợ triển lãm quốc tế là một trong những phần quan trọng của chuyến công tác. Việc tối ưu hoá chi phí mang lại lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp. Đối với từng mục đích tham gia thì ngân sách dự trù cũng khác nhau. Dưới đây là khoản chi tiêu tối thiểu cho chuyến đi hội chợ triển lãm quốc tế 2 ngày 1 đêm:

Các chi phíHội chợ châu ÁHội chợ các quốc gia khác
Chi phí làm visa500.000 – 3.000.000 VND1.000.000 – 4.000.000 VND
Chi phí vé máy bay khứ hồi5.000.000 – 15.000.000 VND15.000.000 – 50.000.000 VND
Chi phí khách sạn lưu trú500.000 – 3.000.000 VND5.000.000 – 20.000.000 VND
Chi phí ăn uống600.000 – 1.500.000 VND1.000.000 – 3.000.000 VND
Chi phí đi lại200.000 – 600.000 VND500.000 – 1.000.000 VND
Chi phí tham gia hội chợHầu hết các hội chợ thế giới đều thu phí tham quan. Tuỳ vào quy mô tổ chức mà giá vé dao động từ 500.000 – 1.500.000 VND. Để tránh giá vé tăng cao, Quý Doanh nghiệp nên đặt trước thay vì chờ đến gần ngày diễn ra hội chợ.

Ngoài các chi phí nói trên, còn có vài chi phí phát sinh dựa theo nhu cầu của từng doanh nghiệp như thuê phiên dịch, mua sắm, giải trí,… Doanh nghiệp nên dự phòng chi phí phù hợp và không vượt quá 5.000 USD mỗi người dựa theo thông tư số 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Visa Phương Đông khuyến khích Quý Doanh nghiệp mang theo thẻ tín dụng để thanh toán và chỉ mang vừa đủ tiền mặt để chi trả các chi phí sinh hoạt.

Chi phí đăng ký gian hàng tại hội chợ quốc tế gồm những gì?

Mỗi hội chợ triển lãm có quy định và mức chi phí riêng, chính vì thế việc đưa ra mức giá thường không cố định. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như địa điểm và thời gian diễn ra hội chợ triển lãm, diện tích, vật liệu thi công của gian hàng, phương án thi công mà doanh nghiệp lựa chọn,…

Nếu Quý Doanh nghiệp có dự định đăng ký gian hàng tại hội chợ quốc tế, đây là những khoản chi phí đầu tư cần lưu ý:

  • Chi phí thuê mặt bằng gian hàng: Phí thuê mặt bằng gian hàng dao động tuỳ theo diện tích gian hàng mà doanh nghiệp muốn thuê. Kích thước gian hàng phổ biến nhất là 18m2 (3x6m) và 36m2 (6x6m).
  • Chi phí thiết kế, thi công gian hàng: Mức phí có thể dao động theo độ phức tạp, kích thước của gian hàng và các yêu cầu đặc biệt của doanh nghiệp. Các yêu cầu tối thiểu mà một gian hàng phải có là đủ ánh sáng, màu sắc và vật liệu thiết kế phải đặc biệt, tiện lợi. Gian hàng cần đáp ứng tốt nhu cầu trưng bày sản phẩm và không gian giao tiếp thuận lợi để thu hút khách tham quan.
  • Chi phí ký quỹ cho gian hàng: Chi phí này nhằm đảm bảo rằng trong quá trình lắp đặt và dựng gian hàng, đội ngũ thi công của doanh nghiệp không gây hư hại đến sàn nhà hoặc không gian hội chợ triển lãm. Nếu có bất kỳ hư hại nào xảy ra trong thời gian thi công, phí này không được hoàn trả và được sử dụng để sửa chữa các thiệt hại gây ra.
  • Chi phí quản lý và dịch vụ: Bao gồm phí điện, nước, chất thải, vệ sinh, an ninh,… trong suốt thời gian diễn ra hội chợ. Mức phí này được tính theo quy mô của gian hàng, kích thước càng lớn thì khoản phí cần đóng càng nhiều.
  • Chi phí nhân sự: Ngoài ngân sách dành cho nhân viên công ty tham dự, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị khoản phí để chi trả cho đội ngũ thi công, thiết kế gian hàng. Ngoài ra, tại một số hội chợ, doanh nghiệp phải trả phí thẻ thi công cho mỗi nhân viên lắp đặt gian hàng.
  • Chi phí truyền thông: Bao gồm các chi phí để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp như chi phí thiết kế và in ấn tài liệu truyền thông, sản xuất ấn phẩm, hàng mẫu, chi phí tổ chức minigame, chi phí quà tặng cho khách hàng tiềm năng,… Đây là khoản phí vô cùng cần thiết để giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên chọn lọc các hoạt động để tối ưu chi phí.

Kinh nghiệm tham gia hội chợ quốc tế

Quý khách nên mua bảo hiểm du lịch trước chuyến đi. Nếu xảy ra các tình huống khẩn cấp như thất lạc hành lý, mất cắp, tai nạn ngoài ý muốn,… bảo hiểm sẽ giúp chi trả và bồi thường các khoản phí cần thiết, đảm bảo chuyến hành trình an toàn.

Theo kinh nghiệm đi hội chợ quốc tế mà Visa Phương Đông tổng hợp, khách hàng nên tìm hiểu văn hoá và luật lệ địa phương. Tương tự như Việt Nam, các quốc gia trên thế giới cũng có văn hoá và luật lệ mà khách tham quan cần tôn trọng và tuân theo.

Ví dụ: Khi đến Trung Quốc để tham dự hội chợ triển lãm, Quý khách nên tránh tặng khách tham quan đồng hồ hoặc các món quà liên quan đến số 4. Vì theo quan niệm văn hoá Trung Hoa, những món quà này mang ý nghĩa không may mắn.

Câu hỏi thường gặp về hội chợ quốc tế

Bán hàng tại hội chợ triển lãm nước ngoài có phải đóng thuế không?

Bán hàng tại hội chợ triển lãm nước ngoài không cần phải đóng thuế nếu có đủ thủ tục:

  • Giấy mời hoặc giấy đăng ký tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài
  • Tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan
  • Bảng kê hàng bán tại hội chợ triển lãm
  • Chứng từ thanh toán tiền đối với hàng hoá bán tại hội chợ triển lãm. Trường hợp bán hàng thu tiền mặt có giá trị trên mức quy định thì phải khai báo với cơ quan hải quan, có chứng từ nộp tiền vào ngân hàng theo quy định hiện hành
Hàng hoá nào được phép bán ở hội chợ nước ngoài?

Tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm xuất khẩu theo quy định tại Điều 135 Luật Thương mại 2005.

Hàng hoá, dịch vụ nào thuộc diện cấm xuất khẩu?
  • Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự
  • Các sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước
  • Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa
  • Các loại sản phẩm văn hóa thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến, lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam
  • Các loại xuất bản phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam
  • Tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền
  • Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước
  • Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục 1 CITES có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB
  • Mẫu vật và sản phẩm chế tác của loài: tê giác trắng (Ceratotherium simum), tê giác đen (Diceros bicomis) và voi Châu Phi (Loxodonta africana)
  • Các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1
  • Các loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu
  • Giống vật nuôi và giống cây trồng thuộc danh mục giống vật nuôi quý hiếm và giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
  • Hóa chất Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2014/NĐ-CP
  • Hóa chất thuộc danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP

Visa Phương Đông hy vọng những chia sẻ về kinh nghiệm tham gia hội chợ quốc tế và các lưu ý quan trọng trong bài viết này sẽ giúp Quý Doanh nghiệp có được nhiều thông tin hữu ích. Chúc Quý khách có chuyến công tác suôn sẻ và hiệu quả.

Bài viết liên quan